Đăng bởi: SAO HỒNG | 12.07.2013

TỪ THƯƠNG TRƯỜNG ĐẾN NGHỊ TRƯỜNG

(Chuyện hai ông Nghị)
Dân Choa

Dân Choa là một cái tên rất quen thuộc với Quê Choa. Thuở Quê Choa của Bọ Lập đang cao trào xôm tụ với chuyện cu bướm, Anh luôn góp vui. Dĩ nhiên chị em rất thích các bình luận của Anh. Thế nên Bọ Lập đã thốt lên rằng; Dân Choa chơi mạng nhưng không lập bờ-lốc mà chuyên đi tán gái! Quả không oan! He he…

Thế nhưng thế mạnh của Dân Choa là bình luận, phân tích về chính trường và thương trường Việt Nam và thế giới. Những bình luận của anh thường rất sắc sảo và có cái nhìn toàn diện, khách quan và đúng với thực tế. Văn phong câu chữ cũng lịch lãm và trong sáng.  Vì thế, chính người trong cuộc được nhắc đến cũng tâm phục khẩu phục mà không hề phiền lòng.
Qua các bài viết, bình luận, chứng tỏ anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều với các chính khách cũng như doanh nhân. Chẳng biết Anh có viết bài cho báo chính thống nào không. Nhưng tham gia mạng xã hội thì mục đích của anh là để chém gió cho vui.

Hôm nay, trên Quê Choa FC (Facebook) Dân Choa có bài “CHUYỆN HAI ÔNG NGHỊ”. Bài viết về hai ông Nghị (ĐBQH) khóa 13 ông Đặng Thành Tâm và ông Thân Đức Nam. 
Mình đưa lên blog để bạn bè ở quê Choa không chơi mạng xã hội đọc chơi. Mình đặt tiêu đề là “TỪ THƯƠNG TRƯỜNG ĐẾN NGHỊ TRƯỜNG”.

Xin chia sẻ cùng bạn bè !


Ông Đặng Thành Tâm (trái) và ông Thân Đức Nam

Trong nghị trường của Việt Nam có hai ông nghị khá nổi tiếng. Một ông thì vốn nổi tiếng từ lâu về sự thành đạt, giàu có ở thương trường. Một ông khác thì tuy danh không nổi như ông kia, nhưng các bước đi bài bản trên con đường quan lộ làm cho thiên hạ phải ngả mũ kính nể. Hai ông có những nét chung nhưng cũng có rất riêng. Cả hai đều là đại biểu cho khối doanh nghiệp và thuộc số 38 doanh nhân trong Quốc Hội. Họ chính là ông Đặng Thành Tâm và ông Thân Đức Nam.
1 – “LẠC NƯỚC HAI XE ĐÀNH BỎ PHÍ..“
Ông Đặng Thành Tâm là một người lớn lên trong môi trường CHXH ở miền Bắc. Cũng như những người khác, ông trở thành nhân viên công chức của một doanh nghiệp Nhà nước. Thời đất nước mở cửa cho làm kinh tế ông đã nhanh nhậy nhìn thấy cơ hội của mình. Ông bỏ doanh nghiệp Nhà nước, quyết tâm tự kinh doanh. Sau những năm tháng lặn lội ở thương trường ông nhận thấy đất nước đang cần có những khu công nghiệp lớn. Ông Tâm và người chị, bà Đặng Thị Hoàng Yến, mở khu công nghiệp Tân Tạo. Với số vốn ki cóp ban đầu không nhiều, nhưng đánh trúng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn FDI và các doanh nghiệp trong nước nên việc huy động vốn đã thành công. Việc Tân Tạo thành công đã làm rạng danh hai chị em nhà ông Tâm đồng thời cũng đưa tài sản của hai chị em lên hàng Top Ten trong những người giàu có của Việt Nam. Từ kinh doanh đất đai, bất động sản ông lấn sang nhiều lĩnh vực khác như giao thông, truyền thông, tài chính chứng khoán và cả đào tạo – giáo dục. Giai đoạn này có thể nói ông đã gặp thời và hùng mạnh nhất về tài lực cũng như uy thế. Gia đình họ Đặng có rất nhiều ảnh hưởng tới các nhà chính trị Việt Nam.
Tiếng tăm của ông lại càng lừng lẫy, nhất là khi ông có mặt trên nhiều diễn đàn kinh tế thế giới. Doanh nghiệp của ông là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Lao độgn hạng nhất. Phải nói rằng ông là một người có khá nhiều công lao trong việc kết nối thương trường trong nước với quốc tế.
Không những thành công rạng rỡ trong lĩnh vực kinh tế mà ông còn là người „ vua biết mặt, chúa biết tên“. Ông luôn có mặt trong những cuộc tọa đàm về kinh tế nước nhà. Ông được xem như một điển hình tiêu biểu cho tư nhân làm kinh tế ở thời kỳ Đổi mới.
Nhưng tham vọng của ông không dừng ở lĩnh vực kinh tế. Ông cũng như bà chị của mình đã lấn sân sang lĩnh vực chính trị. Thời đại Kim Tiền đã đưa cả hai chị em nhà ông Tâm trở thành nghị sĩ Quốc Hội ( đúng hơn là đại biểu Quốc Hội) khóa 13. Một lần nữa hai chị em của ông Tâm làm rạng rỡ „ Danh vọng gia tộc“ nhà họ Đặng.
Thế nhưng lĩnh vực chính trị là một lĩnh vực hoàn toàn khác kinh tế. Ở đó người ta sống trong môi trường „ nhạy cảm“ , đầy rẫy những tính toán mưu lược. Các thành công ở đây phụ thuộc nhiều yếu tố ngoại vi. Người ta cần cẩn trọng với các mối quan hệ, công việc phụ thuộc rất nhiều vào thời cuộc. Nếu gió đã đổi chiều thì cần phải có những biện pháp chống đỡ và nhất là khi phát ngôn cần phải lắng nghe ý kiến của đám đông.
Hoạt động kinh tế ông Tâm có thể nói là xuất sắc, nhưng làm chính trị xem ra lại ấu trĩ ngay từ ban đầu bước chân vào nghị trường. Khi nghe thiên hạ khen ngợi về con đường công danh của nhà Họ Đặng, ông chủ quan. Ông cho rằng ông vào Quốc Hội để nói lên tâm tư nguyện vọng của những người như ông, là đại diện nói lên tâm tư tình cảm của giới doanh nhân. Dư luận báo chí lập tức đặt ra câu hỏi, vậy cử tri bầu ông bầu ông để làm gì? Sao ông không hề nhắc đến những người đã bỏ lá phiếu cho ông. Ngạc nhiên hơn khi nghe ông chất vấn người đứng đầu Chính phủ. Ông thiết tha xin Thủ tướng cho một lời khuyên, chỉ cho những doanh nhân như ông nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực gì để „ giúp“ đất nước vượt qua cơn suy thoái kinh tế (!)
Những phát biểu mang đầy cảm tính của ông làm cho người ta nghi ngờ. Hẳn không ít người đặt câu hỏi, liệu phải chăng ông là người đại biểu nhân dân hay đại biểu cho „ nhóm lợi ích“ trong chốn nghị trường?
Thời điểm ông bước chân vào Quốc Hội cũng là lúc nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam bộc lộ rõ yếu kém sau nhiều năm phát triển. Nhẽ ra ông nên tập trung trong lĩnh vực của mình. Tìm các giải pháp tối ưu để giữ những cái gì mình có, hạn chế thất thoát thành quả của mình. Thế nhưng cơn lốc suy thoái kinh tế đã không chừa ai. Các doanh nghiệp của ông suy thoái dần. Tiền bạc lần lượt ra đi, mối quan hệ vĩ mô cũng nhạt dần, các danh hiệu quốc tế cũng không giúp gì cho ông nhiều.
Cổ nhân có câu „ Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí“ có vẻ đúng với gia đình nhà ông Tâm. Bà chị tài ba dính dáng đến nhiều chuyện riêng tư. Báo chí lên tiếng về cách lấy lòng cử tri nơi bầu cử. Đến khi có chuyện tố giác về lý lịch thì Quốc hội phải vào cuộc. Kết cục là người chị bị bãi miễn chức danh đại biểu Quốc hội.
Đáng ngại hơn là nhân viên của chị em nhà ông lần lượt bị công an Việt Nam bắt giữ, mà trong cáo buộc đều dính dáng đến an ninh quốc gia. Ông Đặng Thành Tâm cực chẳng đã phải thư từ cầu cứu đến những cấp cao nhất của Nhà nước. Thế nhưng cho đến nay phía công an Việt Nam vẫn chưa có đáp án rõ cho các vụ bắt bớ đó. Như vậy vận mệnh chính trị vẫn treo lơ lửng trên đầu ông Tâm.
Sau đơt vắng mặt ở kỳ họp Quốc hội gây nhiều đồn thổi, ông Đặng Thành Tâm xuất hiện trở lại. Chính ông cũng thừa nhận với báo chí là việc ông tham gia Quốc Hội là một sai lầm. Ông cũng không nghĩ hoạt động nghị trường là hoạt động chính trị (!) Nhẽ ra ông không tham gia thì mới đúng. Từ nay ông mong muốn yên thân và „ hãi“ cho đến già, chỉ mong sớm kế thúc nhiệm kỳ khóa 13.

Như vậy một nhân vật như ông đã từ bỏ con đường Nhà nước thành Tư nhân và với tư cách Tư nhân để tham gia hoạt động chính trường hoàn toàn thất bại. Cách này chưa phù hợp với hiện trạng thực tại ở Việt Nam. Nguy hiểm hơn nó còn mang lại nhiều hệ lụy lâu dài cho sự nghiệp cá nhân.

2- “GẶP THỜI MỘT TỐT CŨNG THÀNH CÔNG.“

Ông Thân Đức Nam đang phát biểu ở nghị trường

Ông Thân Đức Nam đang phát biểu ở nghị trường

Khác với ông Tâm, ông Thân Đức Nam có một tiền vận long đong vất vả. Ông tự mình bươn chải làm kinh tế tư nhân. Tuy không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhưng ông lại có đầu óc nhanh nhạy trong thực tiễn. Ông không có ước mơ bước đi lớn hay tầm vĩ mô, chỉ làm theo thời cuộc . Ban đầu ông thiên về buôn vặt, chăm chỉ kiếm tiền lẻ, vun đắp kinh nghiệm cho mình và chờ cơ hội
Thời kỳ đất nước cho Tư nhân bung ra làm kinh tế, ông thành lập ngay công ty Nam Việt Á, chạy làm thầu phụ cho các doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế khó khăn khi Tư nhân làm kinh tế đã dạy cho ông bài học chỉ có liên doanh, dính dáng đến chút Nhà nước thì mới cơ may nhận được hợp đồng.
Cơ hội đến với ông Thân Đức Nam khi ông Tuân, Tổng giám đốc Cienco 5 mời ông mang vốn của mình tham gia vào doanh nghiệp Nhà nước. Ông Thân Đức Nam ( Thời) đã gặp đúng cơ hội lớn đúng như cái tên cúng cơm cha mẹ đặt.ông Thời gặp thời.
Cienco 5 là một doanh nghiệp Nhà nước. Cán bộ lãnh đạo vẫn điều hành theo lối cũ của thời bao cấp, công việc được chăng hay chớ, nhân viên làm việc theo bầu sữa của Nhà nước. Vì vậy Cienco 5 nợ nần chồng chất. Ông Nam Thời tính toán kĩ, dù vốn liếng của mình tích lũy cũng khá, nhưng so với doanh nghiệp Nhà nước thì chẳng đáng bao lăm. Ông chơi một canh bạc lớn. Ghép doanh nghiệp mình vào vốn Nhà nước. Cái ông có và giá trị nhất là kinh nghiệm tích lũy được từ thời tư nhân, khả năng quan hệ ngoại giao, biết luật chơi trong kinh tế. Ông cải tổ lại hệ thống quản lý của Cienco 5, dám chọn người ( kể cả người thân) đưa vào guồng máy quản lý.
Với ưu thế của doanh nghiệp Nhà nước ông nhanh nhậy chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực mới là đất đai và bất động sản. Giá đất, giá bất động sản lên vù vù và kết cục là Cienco 5 thoát nợ. Không những thế Cienco 5 đã trở nên có danh tiếng chỉ trong vòng mấy năm.
Những vất vả của ông Nam Thời mang lại vinh quang cho ông. Nhà nước đã trao cho ông danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Hơn thế nữa người Đà Nẵng đề cử ông làm đại biểu Quốc Hội khóa 13.
Khi dấu hiệu kinh doanh giao thông, bất động sản có dấu hiệu thoái trào ông Thân Thời nhanh chóng nhận biết mình phải làm gì. Ông tạm rút về phía sau, đề đạt lớp trẻ thay mình đứng mũi chịu sào. Còn ông, ông tính nước cờ mới.
Trong kỳ họp Quốc Hội tháng 5, cả nghị trường đang bức xúc vì nước nhà chưa có lối thoát cho kinh tế và buồn ngủ vì các báo cáo thông lệ của các thành viên Chính phủ. Bỗng dưng không khí nghị trường chợt bừng tỉnh khi Thường vụ Quốc Hội bất ngờ thông báo bổ nhiệm ông Thân Thời làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội ( tương đương hàm Thứ trưởng).
Với quyết định đó, ông Thân Đức Nam đương nhiên không thể kiêm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp kinh tế Cienco 5 được nữa. Ông đã trở thành ông nghị chuyên nghiệp và rất có thể là một chính khách trong tương lai.
Một lần nữa các ông nghị đồng nghiệp và bàn dân thiên hạ đều ngả mũ bái phục cái phép „ kim thuyền thoát xác“ hoàn hảo của ông. Từ nay ông có thêm quyền lớn và tiền tài thì vốn có sẵn từ thời ông còn là tư nhân. Không ai có thể soi mói hay bắt ông phải giải trình gì về tài sản của mình trên con đường quan lộ.

Thành công của ông Thân Đức Nam cũng cho ta thấy, trong hoàn cảnh như ở Việt Nam hiện nay Tư nhân chỉ có thể đắc dụng khi biết kết hợp với Nhà nước và nếu có cơ hội hoạt động chính trị thì cũng từ địa hạt của Nhà nước trở đi mới thành công.

Cả hai ông nghị đều là người tài trí hơn người. Nhưng ai cũng có Thời của mình.
Hình như thời của ông Tâm sắp qua, thời của ông Thời đang đến…

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=467403170019419&set=gm.620722311279907&type=1&relevant_count=1&ref=nf

Ông Đặng Thành Tâm đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc nhiều nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nga, Nhật,.. Trong ảnh là buổi tiếp kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Đặng Thành Tâm đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc nhiều nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nga, Nhật,..
Trong ảnh là buổi tiếp kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Mới tham gia chưa trọn nhiệm kỳ Quốc Hội mà chuyện chính trường làm ông Đặng bạc cả tóc. Ông Đặng Thành Tâm đang tiếp xúc với phóng viên bề lề kỳ họp QH 13 (anh của báo NLĐ)

Mới tham gia chưa trọn nhiệm kỳ Quốc Hội mà chuyện chính trường làm ông Đặng bạc cả tóc. Ông Đặng Thành Tâm đang tiếp xúc với phóng viên bề lề kỳ họp QH 13 (anh của báo NLĐ)


Trả lời

  1. […] địch”: Cảnh giác và tỉnh táo trước thủ đoạn dựng chuyện! (ND 11-7-13) Từ thương trường đến nghị trường (Blog Sao Hồng 12-7-13) — Về 2 ông Đặng Thành Tâm và Thân Đức Nam ◄ Khóc […]

  2. […] Theo blog Sao Hồng NQL -Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả […]

  3. […] Từ thương trường đến nghị trường (Blog Sao Hồng 12-7-13) — Về 2 ông Đặng Thành Tâm và Thân Đức Nam […]


Chuyên mục