Đăng bởi: SAO HỒNG | 10.08.2013

LỖI HỆ THỐNG !

Chị Hoàng Thị Nguyệt, người dũng cảm đưa vụ việc ở Bệnh viện Hòa Đức ra công luận

Chị Hoàng Thị Nguyệt, người dũng cảm đưa vụ việc ở Bệnh viện Hòa Đức ra công luận

Trong một thời gian ngắn, liên tiếp những ca tử vong bất thường ở bệnh viện:  chết sau tiêm vắc xin (Quảng Trị); chết cả mẹ con sản phụ vì sự tắc trách và vô cảm (Cần Thơ);,.. và những vụ việc trái với lương tâm và vô trách nhiệm trong ngành y tế, như  ăn bớt vắc-xin tiêm cho trẻ (Hà Nội); tiêm vắc-xin quá hạn dung (Phú Yên); trả bé sơ sinh còn sống cho người nhà về “lo hậu sự” (Quảng Nam) đang làm sôi sục dư luận.

Bây giờ lại thêm chuyện “nhân bản” phiếu kết quả xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội được phát hiện. Không thể không đặt câu hỏi, điều gì đang xảy ra với ngành y tế?

Vì sao vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức lại nghiêm trọng?

Trong lâm sàng y học, cùng bị mắc một bệnh nhưng lại có rất nhiều “con bệnh” khác nhau. Nghĩa là mỗi cá thể đáp ứng với bệnh tật khác nhau. Nguyên do là sự khác biệt tuổi tác, giới tính, cơ địa,… thì có các thông số sinh lý học khác nhau. Triệu chứng và diễn biến bệnh cũng sẽ khác nhau.

Chính vì thế, ngành y sinh thế giới và mỗi nước qua nhiều thế hệ đã dày công xây dựng “bảng chỉ số sinh lý học bình thường” ở người. Nó cũng luôn được cập nhật từ các kết quả của các công trình dài hơi và có quy mô lớn. Và trong các thông số sinh y học đó, luôn có chỉ số riêng khác nhau giữa nam và nữ; giữa trẻ em và người lớn; giữa chủng tộc và màu da khác nhau. Nó còn mang đặc điểm riêng cho từng quốc gia. Là cẩm nang căn cứ chẩn đoán bệnh của thầy thuốc.

Tại các labo xét nghiệm y học lâm sàng, các bảng chỉ số sinh học đó được “quy trình hóa” và thể hiện trong các bảng, biểu treo (dán) ngay tại phòng xét nghiệm. Hơn thế nữa, trong tất cả các biểu mẫu trả lời kết quả xét nghiệm luôn có cột “chỉ số bình thường” để so sánh với kết quả thực tế của mỗi người tại thời điểm xét nghiệm. Đó là quy định bắt buộc trên toàn cầu.

Một kỷ thuật viên xét nghiệm, một nhân viên khi làm việc tại các phòng xét nghiệm đều đã được đào tạo và phải nắm rõ vấn đề cơ bản như vậy. Những người chịu trách nhiệm pháp lý khi ký xác nhận một kết quả xét nghiệm lâm sàng, không thể không biết điều đó. Vì thế, không thể lấy “kết quả” khám xét của người này áp cho người khác để chẩn đoán và điều trị. Cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mỗi vị trí trong công việc. Tất cả đều phải tuân thủ quy trình thực hành. Càng tuân thủ đúng quy trình thực hành càng giảm thiểu rủi ro cho người bệnh.

Hậu quả của việc “nhân bản” “Phiếu Kết quả Xét nghiệm” không gây ra chết người tức thì. Nhưng là nguyên nhân gián tiếp chết người vì căn cứ để chẩn đoán bệnh bị sai. Ví dụ, một người bị ngất do đói và tụt đường huyết vào cấp cứu. Kết quả xét nghiệm đường huyết được “nhân bản” từ một người bị bệnh đường huyết thì chỉ số đường sẽ rất cao. Bác sỹ điều trị cấp cứu căn cứ vào kết quả xét nghiệm và chỉ định tiêm insulin thì bệnh nhân sẽ chết ngay tại phòng khám. Thậm chí chết khi chưa kịp rút mũi kim ra. Đó là nguyên nhân tử vong do người làm xét nghiệm gây nên.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, chuyện gì đang xảy ra với ngành y?

Liên hệ đến kỳ thi tuyển sinh đại học vừa xong. Điểm chuẩn của ngành bác sỹ đa khoa tại các trường đại học Y Hà Nội, Huế và thành phố HCM, cao ngất ngưỡng. Bình quân hơn 9/10 điểm mỗi môn mà vẫn trượt, mặc dù ngành đó luôn luôn có chỉ tiêu cao nhất. Lại không được phép chuyển sang các ngành chuyên khoa khác. Tình trạng đó đã kéo dài nhiều năm nay.

Vậy thì “đầu vào” của nhân lực ngành y cao tại sao chất lượng và hiệu quả của “đầu ra” của hệ thống vẫn… chết người? Điều này có vẻ nghịch lý. Nhưng ngẫm kỹ hóa ra lại không. Vì với ngành y, một ngành đòi hỏi đạo đức và lương tâm; tình thương, sự cảm thông và trách nhiệm ở mỗi con người rât cao. Vì công việc của họ gắn liền với sinh mạng con người. Chỉ kiến thức và trình độ cao chưa đủ. Thầy thuốc giỏi, máy móc thiết bị hiện đại chỉ mới đáp ứng điều kiện CẦN. Còn để hành nghề tốt và mang lại sự tin cậy cho người bệnh, cho xã hội, thì phải hội ĐỦ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có lương tâm, trách nhiệm, tình người. Thấu hiểu nổi đau và hoàn cảnh từng người bệnh; coi trọng tính mạng người bệnh như tính mạng của mình.  

Có được những cái đó phải qua một quá trình đào tạo toàn diện mang tính đặc thù riêng của ngành nghề, trong một môi trường minh bạch và nhân văn. Ngoài ra, nghề y không để bị cuốn vào cơn lốc thị trường và làm giàu như các ngành nghề khác. Môi trường làm việc cũng phải minh bạch, rõ ràng và có những quy định khắt khe về quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Người lãnh đạo cũng phải làm gương để nhân viên noi theo. Những tấm gương đó thường bắt đầu từ ngôi trường, bệnh viện khi các sinh viên mới bước vào học tập và thực hành từ những ngày khởi đầu. 

Nếu không dù thầy có giỏi, phương tiện hiện đại mà không hội đủ lương tâm, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp thì hậu quả gây chết người vẫn xảy ra. Vì điều đó mới chỉ đạt yếu tố CẦN mà chưa ĐỦ cho đặc thù nghề nghiệp của ngành y.

Không còn đơn giản là chuyện y đức, những sai sót chuyên môn đơn thuần của từng cá nhân hay riêng lẻ từng địa phương nữa. Sự bất thường từ tuyển sinh đầu vào đến tình trạng xảy ra tai biến và sai trái liên tiếp nhiều địa phương, cả hai hệ dự phòng và điều trị. Đòi hỏi ngành y tế phải xem xét lại toàn bộ chính sách quản lý và vận hành của mình, bắt đầu từ khâu tuyển sinh.

Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động (07/8/2013) về vấn đề “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hòa Đức, GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có đưa ra kết luận: Có lẽ, đây là lỗi hệ thống (của ngành y tế) !

Rõ ràng cần một sự thay đổi toàn diện tận gốc trong chính sách và điều hành của ngành y tế. 

GS TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH-TM TW


Chuyên mục