Đăng bởi: SAO HỒNG | 27.02.2011

Ngày 27/2, nghĩ về nghề !

Tổ 13, Y4D (1977-1983) chụp kỷ niệm trước khi phân khoa. Mình thuộc diện cọt nhất, ngây thơ nhất và… trẻ con nhất trong số 12 chàng trai. Rứa mà mình lại hơn tuổi đến 5 thằng vốn cũng là học sinh phổ thông. Bạn bè mình bảo: do mày…. dậy thì muộn ! He he…

Nghề Y là nghề của LƯƠNG TÂM. Cũng như nghề GIÁO là nghề của NHÂN TÂM ! Cứ đến ngày Thầy thuốc VN, 27/2, mình thường nghĩ suy về nghề nghiệp. Năm nay, vì công việc & vì cái Pi-xi bị hư, mình không viết được cái gì về ngày này cả ! Thôi thì chia sẻ với bạn bè bài viết cách đây 1 năm ở bên YH!Plus !

Mọi người nói mình thuộc típ người mơ mộng lãng mạn. Mình chả phản đối. Bạn bè mình hồi xưa cũng nói mình cả nghĩ. Mình cũng thấy thế thật. Mơ mộng và cả nghĩ, có mâu thuẫn nhau không nhỉ?

Nhưng mà đúng là mình hay ngẫm nghĩ về cái sự đời. Bấy lâu nay mình vẫn hay suy tư về nghề nghiệp và công việc của mình. Hôm nay mình viết ra vài nét chấm phá về những suy nghĩ đó nhân ngày truyền thống của ngành Y. Ngày 27/2.

*

Hồi nhỏ, mình ước mơ lớn lên sẽ làm nhiều… nghề. Khi thấy máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời quê, mình mơ được làm phi công bay lên bắn hạ chúng. Chứng kiến bà con quê mình bị thương vì bom Mỹ, mình lại mơ làm bác sỹ để cứu thương. Khi đó còn hỉ mũi chưa sạch.

Những ngày thất học lang thang trên cách đồng quê bắt cá mò cua, mình lại ước lớn lên đi bộ đội. Đến khi đi học lại, sau hai lần khám nghĩa vụ quân sự mà sức khỏe vẫn xếp loại B2, do thiếu cân và thấp quá. Mình lại nghĩ, cọt như rứa làm sao trở thành phi công hay sỹ quan. Thôi, ẻ quẹt sỹ quan. Ẻ quẹt phi công !

Hồi nhỏ mình rất thích vẽ. Lúc học cấp 3, thầy dạy môn Sinh học khen mình vẽ cơ quan bộ phận người rất giống. Thầy cũng khuyên mình nên thi vô trường Y.

Thế là ước mơ được làm bác sỹ để chửa bệnh cứu người, trở lại với mình. Ước mơ đó deo đuổi mình cho đến khi ghi nguyện vọng thi đại học. Học tiếp 6 năm nữa, mình trở thành bác sỹ thật. Thế là mơ ước trở thành hiện thực. Có điều ước mơ hình như… vẫn chưa trọn vẹn.

Mình là bác sỹ chuyên ngành Vệ sinh dịch tễ. Khi đã là trực tiếp điều trị và chứng kiến nhiều bệnh binh chết vì sốt rét nặng, mình vẫn còn… mơ ước. Đó là được theo nghiệp thầy Đặng Văn Ngữ để làm ra vắc-xin phòng chống bệnh sốt rét. Chính ước mơ này đã quyết định con đường dẫn đến công việc hiện nay của mình.

Người ta nói, từ ước mơ đến hiện thực còn một khoảng cách rất xa. Nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố tự bản thân mình (chủ quan) và hoàn cảnh môi trường (khách quan). Nghĩa là cũng thiên thời địa lợi nhân hòa !

Mình cũng còn nhớ trong buổi nói chuyện với sinh viên Y 1 mới vô trường, Thầy Tôn Thất Tùng có nói đến một trong các điều kiện để thành công trong đường đời là phải có… người đỡ đầu. Người đỡ đầu càng giỏi, càng có nhân cách và có cả quyền lực thì thành công càng chắc chắn !

Cái ngành mình học là do sự phân công của trường. Còn cái nghề sau này mình làm là do quyết định của chính mình. Học xong năm thứ 4, bọn mình được phân khoa. Nghĩa là đi vào chuyên ngành hẹp liên quan đến công việc về sau.

Những chuyên khoa như Mắt, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt được coi là những ngành quý tộc. Quý tộc, bỡi vì, chỉ những người quen biết hoặc con em trong trường và các bệnh viện lớn có quan hệ với trường,… mới được chọn, với số lượng rất nhỏ. Sau đó mới đến các ngành đa khoa hẹp như Ngoại – Sản, Nội – Nhi, Đông y… nghĩa là sẽ được làm lâm sàng ở bệnh viện.

Nhiều bạn học mình thất vọng tràn trề khi được phân đi các chuyên ngành cơ sở hay cận lâm sàng như Sinh Hóa, Sinh Học, Huyết Học, Vi sinh học… Mình là một trong số này. Mình thất vọng đến chán chường mất gần cả tháng khi được phân đi chuyên khoa Vệ Sinh dịch tễ.

Mình lên phòng Giáo vụ hỏi, họ trả lời là con em Bình Trị Thiên, trường đào tạo cho Đại học Y Huế đang thiếu cán bộ chuyên về ngành này. Sau, bà cô họ mình, bố bạn mình,… là những cán bộ y tế lâu năm, an ủi “nhất nghệ tinh nhất vinh thân”. Chuyên khoa gì cũng được. Miễn là làm tốt công việc được giao. Mình mới nguôi ngoai.

Năm mình vô đại học, cả tỉnh Bình Trị Thiên, chỉ có hai sinh viên cho mỗi vùng Quảng Bình và Quảng Trị, thi đậu Y Hà Nội. Số còn lại, bộ đội trở về và thêm hai người đã học dự bị một năm trước đó. Vì thế, mình nghĩ chắc là thuộc diện “hạt giống tương lai” của Y Huế thật. Nghe có vẽ oai quá ! He he…

Thời đó, học chưa xong các tỉnh, trường, bệnh viện đã gửi công văn xin chỉ tiêu theo ngành họ cần. Rồi cứ tưởng sẽ về Huế công tác. Không ngờ, một hôm đang học sỹ quan dự bị. Cô K., cô giáo cũ của trường lúc đó là phó Giám đốc Viện Pasteur, gặp 4 đứa đang là học viên sỹ quan dự bị. Cô muốn xin 2 trong số mình về Viện Pasteur.

Chính lúc đó, mình mới biết thầy Nguyễn Hồng Điệt, quyền Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh đã xin trường cho cả 4 đứa (2 vi sinh, 2 dịch tễ) về cơ quan bây giờ. Số là thầy mới được bổ nhiệm về lãnh đạo Viện này.

Nói đúng ra, mình cũng có cơ hội làm lâm sàng. Vì có các thầy đang lãnh đạo các bệnh viện, học viện ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội,… hứa sẽ nhận mình về sau khi ra quân. Mà lúc đó mình đâu biết tính toán cho tương lai. Vẫn còn mơ mộng và lãng mạn lắm. Híc !

Trong một chuyến phép, mình ghé Nha Trang. Mình rất thích khí hậu và con người ở đây. Thế là, bản  tính mộng mơ lãng mạn của mình đã đưa mình về Nha Trang sau khi đi một lượt từ Sài Gòn, Huế, Hà Nội, trong đợt phép cuối cùng đời lính.

Như vậy mình chọn nghề theo “địa lợi” và “nhân hòa” chứ không phải… “thức thời”. Cũng có thể nói, “em mến thầy em bước theo Thầy”. Mình theo thầy Điệt về Nha Trang. Nhưng phải mất 4 năm sau, khi đã đi vòng sang K với vai trò một sỹ quan quân y thực thụ.

Số là khi vào quân đội, mình được điều về bệnh viện tiền phương quân khu 5, sau khi tốt nghiệp khóa V, SQDB của Học Viện quân Y.

Thời đó bạn bè phổ thông ngưỡng mộ mình lắm khi thi đỗ trường Y. Cũng như bây giờ, điểm chuẩn Y Hà Nội rất cao. Nhất Y nhì Dược. Ai cũng nghĩ thế. Họ đâu biết rằng học y cực kỳ vất vả. Hầu như không có thời gian thư giãn. Sáng bệnh viện. Chiều giảng đường. Tối, mỗi tuần đều phải tham gia trực ở bệnh viện.

Học nghề Y hồi đó, tính sàng lọc rất cao. Làm gì có chuyện thi lại với những môn lâm sàng. Cứ thi rớt là học lại một năm hoặc về các trường trung cấp thi lấy bằng Y sỹ. Khóa mình vô trường 600 sinh viên. Khi tốt nghiệp chỉ còn hơn 400 bác sỹ.

Nhiều bạn cùng khóa phổ thông thi trượt đại học đi học trung cấp. Học hai năm rưỡi là có việc làm. Bọn mình cày 6 năm. Khi mình ra trường bạn bè có đứa đã ổn định gia đình và sinh đủ 2 con theo tiêu chuẩn nhà nước. Khi đó, mình mới… vào đời.

Bạn bè mình đa số đi sư phạm. Số còn lại đi học trung cấp ngân hàng, tín dụng, thương nghiệp…. Khi mình về hè năm thứ tư, lên thăm anh chị mình ở Khe Sanh, gặp một hội toàn bạn bè cùng khóa đã là nhân viên tài chính, ngân hàng, thương nghiệp, lương thực.

Họ vẫn còn nhớ mình là người duy nhất của Lệ Ninh (nay là 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh) thi đỗ vào Y Hà Nội. Họ còn nể mình lắm. Khi biết mình là em trai của Phó chủ tịch huyện mà họ rất kính trọng, lại càng phục. Khi đó mình vẫn còn phổng mũi với các bạn. He he…

Đất nước đổi mới. Hình thái kinh tế chuyển đổi. Giá trị ngành nghề cũng chuyển hướng theo. Chỉ có chế độ lương bổng của Nhà nước là loanh quanh mãi với mớ bòng bong ngân sách và… biên chế.

Nhiều ngành nghề trước đây được coi là có hơi hướng tư bản, tiểu tư sản nhiều người còn né tránh khi chọn ngành nghề. Bây giờ đã là ngành hot vì lương thưởng cao. Như các ngành ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán,…

Hôm Tết, một cô bạn học trung cấp mình nói ở trên, nay đang vẫn theo ngành ngân hàng ở Nha Trang cho mình biết. Thưởng Tết của hắn không dưới 25 triệu. Hắn còn bảo, em là nhân viên thường thôi. Trưởng phòng trở lên thì một trời một vực.

Lương, thưởng thế chưa có ai ở ngành y hay giáo dục làm việc chăm chỉ hưởng lương Nhà nước, mà có được !

Nay nhiều người vẫn cho ngành Y là có giá. Họ nhìn vào thu nhập, bổng lộc của một số bác sỹ “chân trong chân ngoài” và có mở phòng mạch tư. Họ kê toa ăn hoa hồng của các đại gia dược phẩm đa quốc gia. Một số dùng phòng mạch để… bán thuốc, kể cả thuốc quá hạn sử dụng. Họ chiếm bao nhiêu phần trăm trong đội ngũ nghề Y? Mình nghĩ chưa tới 2 % !

Đa số bạn bè đồng nghiệp mình làm ở bệnh viện cực kỳ vất vã, căng thẳng áp lực cao mà lương bổng cũng chẳng bao nhiêu. Những người có lương tâm lại càng khổ tâm khi muốn làm người thầy thuốc chân chính. Họ bị mọi người hiểu lầm rồi dấm dúi phong bao phong bì.

Thậm chí có người bị đồng nghiệp chơi xấu rồi cho ra rìa nếu không theo “guồng máy” của họ. Nhiều người muốn bỏ quách bệnh viện công để làm cho các bệnh viện tư đàng hoàng. Lương thưởng xứng đáng với công sức và y đức mà họ bỏ ra.

Thực tế, như bệnh viện Khánh Hòa, các bác sỹ trẻ mới ra trường thì muốn vô. Nhưng họ biết đâu, chỉ hai năm lại đây có mấy chục Bác sỹ bỏ việc vô Sài gòn đi làm thuê cho các bệnh viện tư.

Và… vẫn còn rất đông người của ngành y, ngày đêm tận tụy với công việc, lương cọc ba đồng, trông chờ những đợt “tăng lương thời vụ” của nhà nước. Họ là những người làm việc trong hệ dự phòng; dân số kế hoạch hóa gia đình hay viên chức quản lý hành chánh các phòng ban, sở của ngành y.

Lắm người muốn mở phòng mạch mà đâu có bệnh nhân theo về như các bác sỹ ở bệnh viện. Đó là chưa kể, có người khi lên làm Bộ trưởng Y tế, với những chính sách… đem con bỏ chợ như hệ dự phòng. Thậm chí phá tan cả ngành dân số và kế hoạch hóa. Làm cho bao số phận bơ vơ và rồi phải xây dựng lại từ đầu.

Như ngành mình đây, vắc xin cứu trăm vạn người không ai biết. Lỡ dị ứng chết một người thiên hạ báo đài làm ầm ĩ cả lên. Đóng cửa. Giải thể dây chuyền. Mất việc. Thất nghiệp. Đau đớn lắm !

Bây giờ, việc chọn ngành nghề không như thời của mình nữa. Năm ngoái, con gái mình làm hồ sơ thi đại học. Từ trải nghiệm của bản thân, mình không ép buộc hay bắt con phải đi ngành này ngành nọ. 3M không hiểu mà cho rằng mình không quan tâm đến con cái.

Mình thì nghĩ, bắt con đi theo ngành nó không thích rồi học không hứng thú mà bỏ bê, phỏng có ích gì. Mình chỉ nói với con. Thời bây giờ chọn ngành học cần thực tế. Không thể chọn theo ước mơ như thời của Ba. Con chọn ngành theo sở thích để đi học vẫn hứng thú, nhưng học xong vẫn xin được việc. Thậm chí những việc có thu nhập ổn định. Thời của Ba, chọn ngành nghề có theo mộng mơ thì khi ra trường vẫn có việc, vì được nhà nước phân công sắp đặt sẵn.

Tuổi trẻ bây giờ không như bọn mình hồi xưa. Có nhiều cơ hội để lựa chọn. Nếu học giỏi, năng động đi xin việc vẫn có quyền mặc cả lương thưởng mà người ta vẫn đánh giá cao và chấp nhận.

Con cái bạn bè mình, mới ra trường mấy năm làm các ngành hot bây giờ lương tháng tổng bằng thu nhập mình nửa năm, thậm chí cả năm.

Đôi khi nghĩ mà buồn. Bao nhiêu năm làm việc cho cơ quan nhà nước. Những năm tháng sung sức vắt kiệt sức và cả máu ở chiến trường. Làm việc gì cũng tận tụy với công việc. Đã gần 30 năm làm việc mà thu nhập không bằng tụi trẻ mới ra trường vài năm. Đúng là nghịch lý. Mình cũng như bao người tử tế, chỉ mong được làm việc hết mình và được trả công xứng đáng.

Cũng chỉ suy tư thế thôi, chứ làm bất cứ việc gì, dù bất cứ ở môi trường nào mỗi lần “tư tưởng dao động” là mình liền nghĩ đến đồng đội bạn bè mình đã ngả xuống ở bên K, ở biên giới phía Bắc là mình thấy thư thái trở lại. Họ có được trở về như mình đâu để mà suy với tư so với sánh.

“Nhìn ra thì chẳng bằng ai/Ngó về quá khứ lại thương bạn bè/Bây giờ còn chút xương tàn/Đã về đất mẹ hay còn bên K ?”

Viết đến đây, mình bổng nhớ bài thơ của Lê Minh Quốc tưởng nhớ về đồng đội khi còn ở bên K…

NHỮNG LIỆT SỸ TRINH TIẾT

Bạn trẻ quá tuổi 18
đầu đội balô chân lội bùn non
trên vai vác nắng hoàng hôn
đi qua vùng Prech-vi-hear
đi về Kampốt


niềm tin như giọt nước ngọt chảy ra từ trái thốt nốt
ồ tuổi nhỏ dại dột
sau hành quân mơ sông suối tự tình
suốt phiên gác mơ ngôi sao đồng trinh
vắt kiệt sức
tận cùng giấc mơ chỉ còn lại dòng thơ tình thơm như hoa cúc
ném vào cõi hư vô


đồng đội tôi đặt trinh tiết vào trong balô
ngã xuống giữa rừng ngập ngừng chưa muốn chết
khuôn mặt gầy ngờ nghệch
đâu rồi những tiên nữ tuyệt trần
vú nhỏ môi đỏ
vuốt mắt bạn thiên thu?


năm tháng đi qua ma quái âm u
cánh rừng nào mà bạn đã chết?
tiếng mìn K.P2 nổ chát chúa
đanh tai nhức óc
sao lúc ấy không thể nào khóc?
sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi
từng mảnh linh hồn bay trăm nơi
làm sao nhặt đủ?


…tiếng mìn nổ toang hoác nát trái tim nóng hổi
còn đâu
còn đâu

bạn ơi, tuổi 18 trang nghiêm trong binh phục
xin cúi đầu chào thế hệ của tôi
quá khứ bừng lên như chiếc gương soi
lấp lánh nụ cười những người chết trẻ.

Sao Hồng


4 Bác sỹ, SQQY trẻ cùng về MT 579, từ  lò đào tạo Y Hà Nội, khóa 1977-1983: Phạm Tất Chủ (Hà Tây) – Đào Hồng Kỳ (Hải Dương) – Sao Hồng (Quảng Bình0)- Kiều Ngọc Đức (Nghệ An) (ảnh chụp ở S’trưng t’reng mùa khô 1986)

Tấm hình này chụp khi các chàng “lính tình nguyện” đã trải qua ba mùa mưa nắng ở K. Thế mà chàng nào cũng thư sinh, trắng trẻo và đẹp trai. He he.. Bây giờ có đứa đã lên chức … ông ngoại !

 

..và 25 năm sau (02-10-2010), đã có đứa đã lên chức … ông ngoại mà vẫn còn trắng trẻo đẹp trai ! He he…

 


Trả lời

  1. “Lương tâm tỏa sáng” thì e lương lậu bèo bọt ”

    Đúng rứa đó.

    Nhiều người khuyên NC đừng cho con đi ngành y vì quá vất vả. Có cô bạn nói học giỏi tới mức thi đậu Y khoa thì tội chi không chọn ngành khác học mau ra trường nhàn thân lương cao.
    Vô bệnh viện mới thấy Y-Bác sĩ quá vất vả và có sức chịu đựng cao. 😦

    • Có ở trong chăn mới biết chăn có rận ! Tui nghĩ ngành mô cũng rứa ! Thời mô cũng rứa ! Nhưng mà thời nhập nhằng giữa các nền kinh tế hay thể chế ! Nó có nhiều vấn đề hơn !
      Chỉ có quan chức là vất vã nhưng được bù đắp cái khác…. ! He he…

  2. Tóm lại bác sĩ Sao Hồng can tội … trẻ lâu 😀

    • A ! Cả làng cũng khen tui rứa ! Chắc là do tui…. yêu trể và không tham si sân !!! He he…

  3. Hội khoá (1977-1983), hìhìhì … bác sĩ Sao Hồng mần sinh viên lúc NC mới đi học mẫu dáo 😀

    • He he… nhưng mà lúc đó tui vẫn chưa… đậy thì ! Nói thiệt, hôm hội khóa, có thằng bạn còn nhắc lại chuyện tui dậy thì muộn ! He he….

  4. Bác sĩ Sao Hồng mặc áo xanh ?
    Chà, giang hồ đồn bậy quá, giám nói bác Sao Hồng xấu hơn bác Hồng Chương, té chừ thấy mới biết hai bác đẹp bằng nhau 😀

    • He he… đúng đúng ! Mọi người hay nghĩ oan cho anh quá !
      Hôm gặp HC ở SG mọi người mới té ngữa là anh đẹp chai… bằng HC. Có điều chân cẳng HC to hơn vì hay… đá bóng… bàn ! He he….

  5. Bác sí Sao Hồng mặc áo xanh ?
    Chà, giang hồ đồn bậy quá, giám nói bác Sao Hồng xấu hơn bác Hồng Chương, té chừ thấy mới biết hai bác đẹp bằng nhau 😀

    • Nhìn mặt ở hai bức hình là biết liền hà ! “Áo xanh” là đồng chí ở Nghệ An. Hắn thuộc diện… hoang sớm nhất ! Sinh viên năm thứ 5, hắn đã có vợ rồi ! Rứa mà bi chừa vẫn trẻ chán. Y như thanh niên vậy !
      Anh hỏi nó về bí quyết trẻ lâu? Nó bảo nhờ…. vợ !
      Hỏi về con cái răng mà học hành giỏi rứa? Nó cũng bảo nhờ… vợ !
      Hỏi răng mi vẫn có… bồ? Nó cũng bảo: nhờ vợ !

      …..!!!!!
      Nghĩa là với nó vợ thực sự là… nhất ! Đúng như các cụ (ông) tổng kết NHẤT VỢ NHÌ TRỜI ! He he…

  6. MONG CÁC BÁC SĨ MÃI TOẢ SÁNG LƯƠNG TÂM NHƯ DR. SAO HỒNG 😛

    • Đúng đúng !
      Đáng ra bác Triệu phải nhân… điển hình lên chứ nhỉ ? Nhưng mà “Lương tâm tỏa sáng” thì e lương lậu bèo bọt lắm ! He he….

  7. Đề nghị bác SH nhắc nhở bác Quechoa giữ đúng lời hứa nhé!

    • Thôi thông cảm cho Bọ đi ! Tổng biên tập Quê Choa cũng phải…. sợ chứ !

  8. Gửi lời chúc muộn tới BS Sao Hồng nhân ngày thầy lang Việt Nam.

    • Hì hì… Cảm ơn em !
      Cả tuần nay PC bị hỏng. Thời gian xài ké máy chỉ đủ đọc báo & check mail thôi !

  9. Ua quên mất k vào chúc mừng anh SH nhân ngày của các anh!
    Luôn khỏe và luôn yêu đời, yêu nghề, yêu người..như đã và đang Dr. SH nha!

    • Quên chi nữa ! O Mi chúc trúng ngày đó chớ !
      Cả tuần nay, PC của anh bị hỏng ! Mới nâng cấp xong !
      Được cái hay khác là PC hỏng thì đi… ngủ sớm ! He he…

      • Mấy hôm trước 27/2 em đã nhắc mình nhớ vào chúc mừng anh mà vào ngày đó em quên k vào sớm đó chớ.
        Thôi thì khi mô cũng khỏe nha anh SH! nhớ về bác sỹ ở VN là nhớ về anh SH đầu tiên !
        EM nhiều khi cũng cảm thấy hơi nghiện PC quá anh ạ. EM phải tập dùng ít đi mới được.


Gửi phản hồi cho Sao Hồng Hủy trả lời

Chuyên mục